|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Hiện nay, đa số kênh truyền hình đều có talkshow hàng tuần về diễn biến thời sự quốc tế. Ngoài sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo với trách nhiệm trả lời trước công chúng về sự kiện chính trị quốc tế nào đó có liên quan trực tiếp đến Việt Nam thì khách mời quen thuộc của nhiều talkshow này chính là các Đại sứ, mãn nhiệm có, tại nhiệm có. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Trường, Ngô Quang Xuân, Nguyễn Quang Khai, Hoàng Anh Tuấn hay Đỗ Sơn Hải… đã trở nên gần gũi với đông đảo khán giả quan tâm đến lĩnh vực này.
Trách nhiệm với công chúng Với các nhà ngoại giao, khi nhận lời trở thành khách mời của một chương trình truyền hình, hay xuất hiện trên báo chí nói chung, họ đều vì một trách nhiệm duy nhất: Thông tin để công chúng hiểu đúng về một vấn đề - với tư cách là người nghiên cứu. Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, “họ là những người được đào tạo bài bản và hàng ngày cọ xát với thực tế, có điều kiện được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, nên các ý kiến và nhận định của họ khá sâu sắc, giúp công chúng theo dõi và hiểu biết rõ hơn các vấn đề thời sự diễn ra trên thế giới”.
Thứ hai là với những vấn đề phức tạp nảy sinh hiện nay, cách lý giải cũ không còn phù hợp và nhà ngoại giao cần giúp công chúng có cái nhìn mới, có cách tiếp cận mới để hiểu thực chất diễn biến của thế giới. Thứ ba, trong quá trình dân chủ hóa hoạt động đối ngoại, người dân tham gia ngày càng nhiều, tác động ngày càng lớn vào hoạt động đối ngoại của đất nước. Để nâng cao hiệu quả của sự tham gia đó thì việc các nhà ngoại giao trả lời phỏng vấn trên truyền thông sẽ góp phần nâng cao dân trí về đối ngoại, thông qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Nhà nước và từ đó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân. Hai mặt này bổ trợ cho nhau. Chỉ “gật đầu” khi hiểu sâu vấn đề Đó có thể được coi là nguyên tắc đầu tiên của các nhà ngoại giao khi nhận được lời đề nghị tham gia một talkshow, mặc dù khi lựa chọn khách mời, phía nhà đài cũng đã phải “nâng lên, đặt xuống” rất cẩn trọng. Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ: “Ngày nay, trình độ khán giả cao hơn trước rất nhiều. Họ không muốn nghe chuyện chính trị theo những kịch bản cứng nhắc mà muốn tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ hơn, mang quan điểm chủ quan của một cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Vì thế, để thực hiện một talkshow thành công, khách mời phải đưa ra được nhận định chuyên sâu, nhưng vẫn mang được phong cách, quan điểm cá nhân của người nói”.
Luôn nhớ mình là ai! Đó chính là nguyên tắc thứ hai. Các khách mời, đặc biệt là nhà ngoại giao, phải luôn nhớ nguyên tắc này khi tham gia bình luận trực tiếp trên truyền hình, nhất là đối với các đề tài được cho là “nhạy cảm”. Đối với Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Trung Quốc chính là đề tài nhạy cảm mà ông từng tham gia bình luận. “Kinh nghiệm khi bình luận về các vấn đề nhạy cảm là phải nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước để không làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Khi đã nắm vững những kiến thức đó thì dư địa cho người bình luận là khá rộng. Vì thế, người nói vẫn đưa ra được ý kiến khách quan, thể hiện trình độ chuyên môn của mình mà vẫn hấp dẫn khán giả. Để làm được điều đó, khách mời phải hiểu sâu về chủ đề và mỗi lời nói ra đều phải thể hiện được kiến thức của mình”. Ông kể lại lần tham gia talkshow nhân Đại hội lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi điểm lại những nội dung chính của chương trình Đại hội, ông dẫn Văn kiện của Đại hội trong đó nêu rõ, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố “vĩnh viễn không bành trướng, không bá quyền”. Ông bình luận, “đó là văn kiện hết sức đáng chú ý và chúng ta hãy đợi xem hành động của Trung Quốc trên thực tế”. Hay mới đây, khi đang chủ trì cuộc họp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế về sự kiện Mỹ đưa tàu khu trục tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, ông nhận được một cuộc điện thoại từ Washington của phóng viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: “Ông đánh giá thế nào về động thái này của Hoa Kỳ?”. Ông trả lời: “Rất tốt. Mỹ là cường quốc về hải quân. Động thái này của Mỹ có lợi cho việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông”. Phóng viên lại hỏi: “Điều này có lợi cho cả Việt Nam, vậy tại sao phía Việt Nam chưa lên tiếng ủng hộ?”. Ông trả lời: “Việt Nam im lặng tức là đã ủng hộ rồi. Nếu phản đối, chúng tôi đã lên tiếng”. Khánh Nguyễn (ghi) Theo tgvn.com.vn Tin liên quan Ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng đất nước(28/08/2020 3:02:41 CH) Đóng góp của Ngoại giao Việt Nam vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975(02/05/2020 9:58:50 CH) Mặt trận ngoại giao - từ Hiệp định Paris đến ngày đại thắng năm 1975(29/04/2020 10:14:38 CH) Nâng cao vai trò của nữ cán bộ đối ngoại(10/10/2019 4:15:50 CH) Fidel Castro: Những chuyến thăm lịch sử(05/10/2018 4:30:28 CH) |
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NGOẠI VỤ TỈNH LAI CHÂU
Trụ sở cơ quan: Tầng 1 nhà E khu Trung tâm Hành chính Chính trị tỉnh Lai Châu
Điện thoại: 02133.878.632 Fax: 02133.876.443 Email: banbientap@laichau.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Đinh Quang Tuấn - Giám đốc Sở Ngoại vụ
Giấy phép xuất bản số: 764/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/10/2015
Ghi rõ nguồn: "www.songoaivu.laichau.gov.vn" khi sử dụng thông tin trên website này