Trang chủ Hợp tác quốc tế Quan hệ với các tổ chức phi chính phủ

Hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi: ĐỂ KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
(Ngày đăng :14/07/2016 10:30:28 SA)

Phụ nữ dân tộc ở Bắc Hà, Lào Cai áp dụng hiệu quả mô hình phát triển du lịch bền vững do tổ chức hỗ trợ quốc tế Canada tài trợ. Ảnh: Thu Hằng

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (Đề án 2214) theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vùng dân tộc và miền núi đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư

       Đề án 2214 xác định sự kết hợp giữa các nguồn lực ở trong nước với các nguồn lực của nước ngoài để tạo bước tiến mạnh mẽ trong việc thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Là một trong những chính sách quan trọng trong Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn mới, mục tiêu của đề án là tăng cường hợp tác thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các tập thể và cá nhân ở nước ngoài, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng DTTS, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc.

Riêng 6 tháng đầu năm 2015, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đã triển khai 2.380 chương trình/dự án và khoản viện trợ với tổng giá giá trị giải ngân ước tính là 105,5 triệu USD vào những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, giá trị giải ngân cho 24 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao (trên 15%) đạt mức 28,6 triệu USD. Sự hỗ trợ của các NGO không dừng lại ở hỗ trợ tài chính mà còn chuyển giao những mô hình hay. những cách làm mới giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, cải thiện được đời sống một cách bền vững.

       Thực hiện Đề án, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và hoạt động của các nhà tài trợ nước ngoài vào vùng DTTS; các thủ tục hành chính đảm bảo nhanh, gọn, đơn giản, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án và cấp phép kịp thời. Cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác các nhu cầu về chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS. Ban hành một số chính sách đặc thù nhằm thu hút tài trợ nước ngoài vào các lĩnh vực cần thiết để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng DTTS. Tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư dự án với các nhà tài trợ nước ngoài, giữa bộ ngành và các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án ở vùng DTTS…

Dự án giáo dục THCS đã tạo điều kiện học tập cho nhiều trẻ em vùng DTTS.

Ảnh: Bích Yến

       Sau hai năm thực hiện Đề án, các bộ ngành, địa phương đã thu hút triển khai có hiệu quả nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho đồng bào, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

       Lĩnh vực giao thông vận tải đã huy động vay và tài trợ đạt 500 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng DTTS” với tổng số 4.154 cầu, tổng mức đầu tư gần 8.400 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành gần 200 cầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” đã huy động được gần 700 triệu USD cho phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2015 - 2021 ưu tiên thực hiện tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình và Điện Biên. Thu hút được hơn 300 triệu USD từ các nhà tài trợ ODA và các tổ chức phi chính phủ để đầu tư cho các dự án: Chuyển đổi đất nông nghiệp bền vững; tăng cường cạnh tranh ngành chăn nuôi, hỗ trợ cho bà con miền núi tham gia phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững. Các chương trình đầu tư xây dựng hỗ trợ phát triển sản xuất, lồng ghép chương trình nông thôn mới, chương trình xóa đối giảm nghèo và quy hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư nông thôn; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hệ thống tưới tiêu ở các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc… được đẩy mạnh. Đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển dịch vụ môi trường được tích cực triển khai. Quỹ Nhi đồng LHQ, WB, ADB và các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ trên 200 triệu USD cho các dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường miền Trung, hướng dẫn xử lý và trữ nước hộ gia đình cho đồng bào dân tộc Mông và Bana; hướng dẫn về khả năng tham gia của khối tư nhân trong hoạt động thúc đẩy xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình, trong đó tập trung ưu tiên các cộng đồng nghèo, cộng đồng DTTS chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh. Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đã nâng cao điều kiện sống cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ thông qua đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tăng tự chủ về kinh tế thông qua củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng, đa dạng hóa các loại hình sinh kế, phát triển sinh kế kết nối thị trường để cải thiện thu nhập bền vững cho người dân tại các xã nghèo thuộc các huyện vùng khó khăn

       
     
     Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 đã hỗ trợ giáo dục THCS cho các khu vực khó khăn nhất và vùng dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh là người DTTS. Đội ngũ cán bộ là người DTTS được bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, kiến thức nghiệp vụ về đối ngoại, hội nhập quốc tế. Các dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội, vay vốn ngân hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng trợ giúp xã hội và hộ nghèo/cận nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn được được tích cực triển khai. Hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư được huy động hàng tỷ USD vốn ODA, NGOs cho vùng dân tộc và miền núi. Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11 doanh nghiệp đã cam kết tài trợ 470 tỷ đồng cho quỹ an sinh xã hội vùng này…

        Để phát triển bền vững 

       Quá trình thực hiện Đề án 2214 cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Sự gắn kết, chia sẻ thông tin về khả năng đầu tư và viện trợ giữa các bộ, ngành với địa phương chưa nhịp nhàng. Những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cung cấp kiến thức, thông tin tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra sản phẩm của đồng bào còn hạn chế. Vốn ODA, NGOs chủ yếu tập trung vào các vùng thuận lợi nên tỷ trọng đầu tư, viện trợ vào khu vực miền núi đặc biệt khó khăn còn thấp. Thủ tục hành chính còn rườm rà, nội dung dự án cần tài trợ chưa thực sự phù hợp nên quy trình triển khai phải bổ sung nhiều lần. Vối đối ứng còn khó khăn. Phong tục tập quán của đồng bào DTTS mang tính đặc thù riêng nên quy trình vận động tài trợ gặp rất nhiều khó khăn…

       Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 2214 và Xúc tiến đầu tư, viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, ông Đỗ Văn Chiến, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT khẳng định: “Các cơ quan của Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc triển khai dự án tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi, để những hỗ trợ này đến được với người hưởng lợi, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của chương trình và các dự án”. Muốn vậy, thiết nghĩ cần phải tăng cường phối hợp liên ngành từ trung ương đến cơ sở; huy động mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS sau năm 2015. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Căn cứ vào các chỉ tiêu ấy, Đề án 2214 cần xác định các chỉ tiêu trọng tâm phù hợp để tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phấn đấu đạt được mục tiêu, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Cụ thể, đề án cần bám sát các chỉ tiêu về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực với tiêu chí bình quân giảm 3-4%/năm tỷ lệ hộ nghèo DTTS, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi thấp hơn 14%. Tập trung vào phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công giúp người dân nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển sinh kế bền vững. Một việc quan trọng cần làm là rà soát tất cả các chính sách giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi hiện hành, từ đó hạn chế những chính sách cho không, khắc phục tình trạng chồng chéo chính sách trên các địa bàn huyện nghèo. Ưu tiên các chính sách hỗ trợ bà con tự vươn lên thoát nghèo như: Giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ chăn nuôi, cho vay sản xuất. Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội…

Cầu dân sinh Bản Lếp, Nam Tiến, Quan Hóa, Thanh Hóa được xây dựng từ nguồn vốn Đề án 2214.

Ảnh: Thu Hằng

       Vấn đề giáo dục và y tế ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là đối tượng bà mẹ, trẻ em đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ người DTTS, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Do đó Đề án 2214 cần kêu gọi, hướng các nhà đầu tư, viện trợ hỗ trợ thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh cơ hội tiếp cận với các cơ hội và thông tin cho người dân để họ chủ động giải quyết. Tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị y tế tại các địa phương vùng sâu vùng xa. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS. Việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu hợp tác quốc tế sẽ cung cấp cụ thể các thông tin về nhu cầu đầu tư, hỗ trợ, viện trợ vào vùng DTTS; thông tin về các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ, viện trợ cho vùng DTTS và các văn bản pháp lý, quy trình, thủ tục ký kết hợp tác và tiếp nhận dự án cho các cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước. Tăng cường chia sẻ thông tin giữa tất cả các đối tác phát triển, nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ để nguồn vốn rót đúng địa chỉ, trong đó ưu tiên những vùng vận động giúp đỡ tài trợ vốn gặp nhiều khó khăn, có như vậy mới đẩy mạnh hiệu quả đầu tư, viện trợ.

 

Ngọc Anh

Theo Tạp chí Nhân quyền số 2 - 2016

Tin liên quan

JETRO chuẩn bị hoạt động xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam(07/02/2017 4:04:53 CH)

Đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc hoạt động tình nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh(18/07/2016 4:13:24 CH)

Hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi: ĐỂ KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU(14/07/2016 10:29:26 SA)

UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác Văn phòng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO)(15/05/2016 4:55:33 CH)

Đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) làm việc tại Lai Châu(15/04/2016 4:31:08 CH)

275 Người đang Online

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NGOẠI VỤ TỈNH LAI CHÂU

Trụ sở cơ quan: Tầng 1 nhà E khu Trung tâm Hành chính Chính trị tỉnh Lai Châu

Điện thoại: 02133.878.632 Fax: 02133.876.443 Email: banbientap@laichau.gov.vn

Chịu trách nhiệm nội dung: Đinh Quang Tuấn - Giám đốc Sở Ngoại vụ

Giấy phép xuất bản số: 764/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/10/2015

Ghi rõ nguồn: "www.songoaivu.laichau.gov.vn" khi sử dụng thông tin trên website này


...